Emergency SOS là tính năng mới khá thú vị của nhà Táo trên iPhone 14 hoặc iPhone 14 Pro, được sử dụng miễn phí trong 2 năm sau khi kích hoạt.
Một câu chuyện kịch tính ở Alaska về người đàn ông bị mắc kẹt được cứu nhờ tính năng cứu hộ khẩn cấp qua vệ tinh mới của Apple đang mang lại nguồn cảm hứng cho nhiều người.
Vào 2h sáng ngày 1/12, các đơn vị cứu hộ bang Alaska (Mỹ) nhận được thông báo có một nam giới di chuyển bằng máy trượt tuyết từ thị trấn Noorvik xa xôi đến vùng Kotzebue và đã kích hoạt Emergency SOS qua vệ tinh trên iPhone của mình sau khi bị mắc kẹt.
Được biết, khu vực này hoàn toàn không có Wi-Fi hoặc vùng phủ sóng di động.
Sau đó, Trung tâm Ứng phó Khẩn cấp của Apple đã cung cấp cho lực lượng cứu hộ và nhân viên tìm kiếm cứu nạn khu vực Tây Bắc Bắc Cực tọa độ GPS của người đàn ông mắc kẹt. Nhờ đó, 4 nhân viên cứu hộ đã xác định được vị trí và kịp thời đưa anh ta đến Kotzebue. Không có thương tích xảy ra.
Người phát ngôn của Sở Cứu hộ Alaska nói với Business Insider rằng các đội tìm kiếm và cứu nạn đã được cử đến lúc 3:30 sáng và người đàn ông mắc kẹt được đưa đến Kotzebue lúc 6 giờ sáng.
Theo Business Insider, người đàn ông này đã không có thêm bất kỳ một hình thức liên lạc vệ tinh nào khác.
Trong thông cáo báo chí, những người lính tham gia cứn nạn cho biết họ rất ấn tượng với tính chính xác và đầy đủ của thông tin có trong cảnh báo ban đầu.
Tin tức này xuất hiện chỉ vài tuần sau khi Apple công bố việc ra mắt tính năng cứu hộ khẩn cấp qua vệ tinh Emergence SOS cho người dùng iPhone 14 ở Mỹ (ngoại trừ đảo Guam hay Samoa) và Canada. Dịch vụ an toàn cho phép người dùng nhắn tin cho các dịch vụ khẩn cấp bên ngoài vùng phủ sóng di động và Wi-Fi.
Tính năng này cũng cho phép chủ sở hữu iPhone 14 chia sẻ vị trí của họ qua vệ tinh với bạn bè và gia đình bằng ứng dụng Find My (Find My App). Chủ sở hữu của mọi phiên bản trong dòng iPhone 14 đều có thể sử dụng tính năng này.
Ứng dụng dự kiến sẽ được tung ra một số thị trường châu Âu bao gồm Vương quốc Anh, Đức, Pháp và Ireland vào tháng này.
Kết nối vệ tinh có thể được duy trì ngay cả khi màn hình điện thoại của bạn bị khóa. Tuy nhiên, kết nối này có thể bị ảnh hưởng khi ở xung quanh đồi, núi, hẻm núi và các công trình kiến trúc cao hoặc ngay cả khi ở xung quanh tán lá rậm rạp.
Apple cho biết một tin nhắn được gửi bằng tính năng vệ tinh có thể mất 15 giây để gửi trong điều kiện lý tưởng với chế độ xem trực tiếp bầu trời và hơn một phút để gửi dưới tán cây có tán lá sáng hoặc trung bình.
Vĩ độ cũng có thể ảnh hưởng đến kết nối. Theo Apple, ở những nơi có vĩ độ trên 62 độ có thể khiến tính năng này khó hoạt động hơn.
Người dùng có thể kiểm tra tính năng Emergency SOS mà không phát tín hiệu báo động cho dịch vụ cứu hộ thông qua menu cài đặt trên iPhone 14.